Làm rồi Ăn hay Ăn rồi Làm?11-02-2019
Làm rồi Ăn hay Ăn rồi Làm?
Nhân dịp đầu năm, tôi mạo muội viết khai bút bài Làm Ăn hay Ăn Làm.
Từ bé, chúng ta đều được dạy rằng phải Làm rồi mới Ăn. Ông bà ta vốn có chữ Làm Ăn chứ chưa có bao giờ nói :” Ăn Làm ” cả. Không có Làm thì lấy đâu ra Ăn? Lười biếng, không làm lụng, không lao động thì chả có gì để “Ăn” cả.
Đặc biệt là người Việt Nam chúng ta, tinh thần cần cù chịu khó, nhịn ăn nhịn mặc để ki ki cóp cóp cho con cho cái. Con cái lớn lên 1 chút, là lại ki ki cóp cóp lo cho cháu chắt chít, rồi bà con họ hàng xung quanh. Cuối cùng, cả cuộc đời vất vả, lo lắng hết cho mọi người rồi nằm xuống – có khi còn chưa kịp đi ra khỏi cái luỹ tre làng, quẩn quanh bó buộc với Trách nhiệm phải lo cái này, lo cái kia….
Con còn bé thì lo cho con ăn no, ăn uống phải được như nhà người ta. Con lớn thì lo cho nó học, chạy trường chạy lớp. Rồi con lấy vợ, lấy chồng thì lo đám cưới, rồi lo mua nhà cho nó. Rồi con có con thì lo chăm cháu, lo làm osin cho con cái cho chúng nó đi Làm. Và đời chúng nó lại xoay vần Làm và Làm, còn Ăn- để chờ đến khi già, răng long, chân run thì mới bắt đầu tiếc nuối… Lúc đó Món Ngon vật lạ cũng chả ăn nổi, có đi ngắm cảnh cũng không còn thấy cảnh đẹp vì thân thể bệnh tật, đau đớn.
Khổ cái, người Việt chúng ta chăm lo Làm – hy sinh cho con cái, họ hàng , có thêm cái nhà, cái xe – cứ chăm chăm Làm để với tới cái Tương Lai phải mỗi đứa 1 cái nhà… Chưa chắc khi đó, con cái chúng nó biết xót thương cho cha mẹ.
Tôi từng chứng kiến, nhà nào mà Cha mẹ càng lo nhiều cho con cái, lo chạy trường, chạy thầy, lo tìm vợ, lo sắm nhà cửa cho con- thì lũ con như Em chã không làm lụng gì, nghiễm nhiên nghĩ rằng Cha Mẹ là phải lo cho mình như vậy. Hễ mà chia nhà không đều, chia gì đó không đều là chúng nhao nhao lên tị nạnh nhau…. Sản sinh ra 1 thế hệ hơn 20 tuổi đầu, có khi 30, 40 tuổi đầu vẫn chờ Cha Mẹ chạy việc, chạy vợ, chạy chồng sẵn ra đó cho mình…
Bản chất lỗi từ đâu?
Có phải chăng từ tư duy “Làm rồi mới Ăn” của chúng ta?
Vấn đề là bao giờ mới “Ăn”?
Chúng ta đều có thể biết ngày sinh ra đời, nhưng ngày chúng ta ra đi, không ai biết trước được. Nó có thể là năm 80 tuổi, cũng có thể là ngay ngày mai? Vậy chúng ta cứ Làm, làm miết… có khi ra đi còn chưa kịp “Ăn” gì …
Và điều gì xảy ra khi chúng ta tư duy theo kiểu ” Làm rồi hãy Ăn”? Lúc đó, có phải chúng ta làm với cái bụng đói, với cái sự bực bội, khó chịu – thì cái sự Làm đó- có hiệu quả không? Chúng ta Làm với 1 cái trạng thái sân si, bực dọc, không những chúng ta không Hạnh Phúc, mà còn mang cái năng lượng xấu, tiêu cực đến những người xung quanh nữa!
Từ cái sự “Làm rồi Ăn” với cái bụng đói đó, sản sinh ra cái Xã Hội ai ai cũng lo mau mau để kiếm nhanh, kiếm gấp, vơ vét về cho mình. Từ quy hoạch đường xá, nhà cửa, ai cũng lo lấn chiếm, lo rút ruột công trình- có phải chăng đều là vì “cái bụng Đang Đói” mà ra?
Nếu ai ai cũng đều No- Ăn no rồi mới bắt tay vào làm- thì với cái tâm thư thái, vui vẻ, no đủ- chắc hẳn chúng ta sẽ có 1 Xã Hội khác.
Tôi sinh ra khi đất nước đã hết Chiến Tranh. Điều kiện vật chất thiếu thốn vô cùng. Nhà Ba Mẹ đều phải nuôi thêm heo, gà, vịt để cải thiện cuộc sống. Từ bé đã phụ mẹ lọc hàng quần áo, quần sịp , áo gió để gửi sang Nga. Lúc nào cũng mơ được ăn thịt … Thèm Ăn miết…
Đến khi được sang học tập ở nước ngoài. Nhìn thấy các bạn Tây đều tư duy ” Ăn rồi hãy làm” . Mình thì được dạy là phải “Làm xong rồi mới được Ăn” . Nên trong lúc mình cày ngày cày đêm bài vở, học mờ cả mắt thì các bạn í đi xem Opera, đi chơi, giao lưu, du lịch. Kết quả đúng là mình ra trường với cái bằng đỏ choét, nhưng ngoài mớ lý thuyết ra, thì hỏi đến Nghệ Thuật, Cuộc sống thì mình đơ người ra.
Đến khi ra đời, mới thấy thì ra Ăn rồi Làm có giá trị của nó. Đó là trong giao lưu các bạn í học được nhiều điều trong Xã Hội. Đi ngao du đó đây, các bạn í có kiến thức thực tiễn, chứ không phải từ sách vở. Nói đến đâu là các bạn í Biết đến đó 1 cách thực tế đến đó, bằng chính trải nghiệm Xách Ba Lô lên và Đi của các bạn í. Chứ không phải qua phim ảnh, đài báo như mình.
Và từ đó, tôi đã thay đổi. Tuy là hơi muộn, không còn tuổi sinh viên nữa. Nhưng giờ hễ “Ăn” vui vẻ được là tôi Ăn, rồi bắt tay vào Làm. Làm nghiêm túc, làm cật lực. Nhưng Làm xong cứ thấy đói là “Ăn”. Mà Ăn cũng phải cho ra Ăn. Ăn phải có bạn có bè, phải vui, tinh thần hào sảng. Chơi là chơi hết mình. Làm cũng làm hết mình. Sống là sống hết mình.
Bởi thế, tôi cũng khuyến khích con cái mình, cha mẹ mình “Ăn” no, tận hưởng từng giây phút, vui vẻ rồi mới “Làm”. Làm gì thấy vui thì Làm. Không vui thì đừng miễn cưỡng Làm. Con cái thì học chỉ là 1 phần. Học thì phải ra học. Còn thì phải rủ bạn bè đến chơi. Ăn cùng bạn, chơi cùng bạn. Học cùng bạn. Học là học từ các chuyến đi. Học từ âm thanh cuộc sống. Từ tiếng leng kêng của phố xá. Nói là phải nói rõ ràng, nói vui vẻ. Làm là phải làm dứt khoát, đến nơi đến chốn.
Có 1 cuộc đời thôi thì Hãy tận hưởng! Từng phút, từng giây… Đừng để phải hối tiếc bất kỳ điều gì! Mà cái gì khó quá thì cho qua! Cái gì chưa đến mà nghĩ không ra cũng cho qua! Sống trong hiện tại, bình an, vui vẻ, hạnh phúc!
Chúc cả nhà Năm mới nhiều Niềm Vui! Ăn no vui vẻ rồi hãy Làm nhé!!!
Dasha Trịnh